Australia sẽ giúp rèn luyện các chuyên gia Việt Nam trong việc xác định, lưu trữ các nguồn phóng xạ vô chủ hay quản lý kém, và xây dựng hạ tầng pháp lý cho vấn đề này. Chương trình thuộc Dự án An ninh các nguồn phóng xạ khu vực Đông Nam Á, nhằm giảm thiểu nguy cơ cho toàn khu vực.
![]() |
Biểu tượng quen thuộc trên các máy móc chứa phóng xạ. Người dân có thể dựa vào biểu tượng này để biết mà đề phòng |
Dự án An ninh các nguồn phóng xạ khu vực Đông Nam Á do chính quyền Australia tài trợ, với phí tổn 4,5 triệu đôla, tiến hành trong 3 năm, từ tháng 7/2004. Dự án hiện mới khởi động tại Việt Nam, và trong tuần này, Cơ quan Khoa học và công nghệ hạt nhân Australia sẽ trao đổi với Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) để xác định nhu cầu cần hỗ trợ của Việt Nam.
Các chuyên gia của Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, hiện nay Việt Nam mới chỉ kiểm soát được các nguồn bức xạ lớn (như các cơ sở xạ trị y tế, bức xạ ngành công nghiệp, chụp ảnh phóng xạ ngành công nghiệp…). Những nguồn này khi nhập khẩu đều đã được lưu hồ sơ và kiểm tra thường kỳ, nên việc thất thoát là không chắc xảy ra. Đáng lưu tâm là các nguồn phóng xạ thất lạc trong chiến tranh (đa số ở miền Nam) và các máy móc chứa phóng xạ nhập khẩu từ trước năm 1997 (khi Nhà nước chưa quản lý vấn đề này). Những nguồn bức xạ thất lạc, nếu phát tán ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là khả năng gây u ác mạnh. Tại Thái Lan, năm 2000, 3 nguồn xạ trị được lưu trữ cẩu thả tại một bãi đỗ xe, bị bóc ra lấy sắt phế liệu khiến 10 người nhiễm phải xạ nặng, 3 người tử vong.
Ông Lê Quang Hiệp, chánh văn phòng Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân, cho biết bằng mắt thường người dân không thể nhận biết một cục sắt hay khối vật liệu có chứa phóng xạ hay không, vì thế họ vô tư mang những “cục sắt phế liệu” nguy hiểm chết người từ các bãi rác về nhà. Để nhận biết chúng, theo ông Hiệp, người dân nên chú tâm đến biểu tượng đặc trưng của vật liệu chứa phóng xạ, là hình quạt chẽ ba (ảnh trên), và báo ngay cho Sở khoa học công nghệ hoặc Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân.
Thuận An