Có một sự thật rằng học sinh luôn mong được trở thành sinh viên, còn sinh viên lại luôn muốn được quay trở về thời học sinh đẹp đẽ. Vì sao lại xảy ra điều này? Liệu rằng khi nhận ra những sự khác biệt sau, bạn có còn mong muốn như vậy?
Sự khác nhau ngay từ khi đi học
Học sinh là những con ong chăm chỉ, luôn chép bài kĩ càng và không bao giờ bỏ sót. Họ phải học tập tất cả các ngày trong tuần với bộ đồng phục, chúng thật quen thuộc và như trở thành “thương hiệu” riêng. Học sinh thậm chí còn không ngại việc phải dậy sớm nữa. Áp lực điểm số của môn học chính cũng là một trong những lí do khiến họ phải “cày quốc”. Đôi khi, điều đó khiến học sinh căng thẳng bởi phải tập trung quá nhiều vào một số môn.
Sinh viên có thể nói là “thảnh thơi” khi đi học nhưng lại vất vả ngập đầu khi đi thi bởi cách học theo tín chỉ. Họ có thể chép, sử dụng laptop hay thiết bị ghi âm, miễn là cảm thấy có thể tiếp thu bài giảng. Tuy nhiên, giới hạn thi cuối kì của sinh viên là… không có giới hạn gì cả. Lịch học của sinh viên do tùy từng cá nhân quyết định. Vì vậy, họ có thể đi học từ 6 giờ 30 sáng, hoặc mọi người cũng có thể thấy họ “cắp sách” vào lúc 5 giờ chiều. Thời trang đi học khá thoải mái với sinh viên, thêm vào đó, việc học dường như thú vị hơn khi họ được học chuyên ngành mà mình mong muốn.
Các mối quan hệ
Có thể bạn không để ý đến, nhưng các mối quan hệ của sinh viên và học sinh cũng có sự khác biệt.
Với học sinh, trường học thường có một vài mối quan hệ chính như bạn bè, thầy cô, và có thể là cả người yêu. Bạn là để chơi, thầy là để học, còn người yêu… đương nhiên là để yêu. Với một lớp chỉ có khoảng vài chục người, bạn có thể nhớ hết tên bạn bè, thậm chí còn nhớ cả việc bố mẹ họ làm nghề gì.
Sinh viên có những mối quan hệ phức tạp hơn, bạn bè, thầy cô có thể trở thành chính đồng nghiệp hoặc sếp sau này. Trong một lớp lên đến vài trăm người, dù bạn có học 2 năm hay 6 năm cũng thật khó để có thể nhớ hết tên các thành viên trong lớp. Bên cạnh đó, những mối quan hệ xã giao ngoài lề cũng là yếu tố tác động đến sinh viên, đôi khi chúng khá rắc rối và phức tạp.
Ước mơ
Có một sự thật rằng học sinh thường có những ước mơ “xa xôi” hơn sinh viên. Ai cũng hi vọng tương lai mình sẽ trở thành một người tốt nhất, tỏa sáng nhất. Khoảng thời gian mơ ước đó cũng chính là khoảng thời gian học sinh lựa chọn xem ngành học gì phù hợp với mình nhất.
Sinh viên lại thường có ước mơ nhỏ hơn nhưng thực tế. Có thể bởi họ đã có nhiều trải nghiệm cuộc sống, thêm vào đó, việc học theo một ngành nhất định cũng là yếu tố giúp định hướng ước mơ của họ.
Mục tiêu học tập
Với học sinh, mục tiêu lớn nhất là hoàn thành điểm trên lớp. Họ cố gắng với hi vọng vào một trường tốt hơn ở cấp học tiếp theo. Nếu giỏi ngoại ngữ, học sinh cũng tính đến việc đi du học nữa, bởi đây là khoảng thời gian xin học bổng tốt nhất. Tóm lại, mục tiêu học tập của họ lại chính là… tiếp tục được học.
Du học cũng có thể là mục tiêu học tập của sinh viên, tuy nhiên, nó không quá phổ biến với bậc học này. Sinh viên quan tâm hơn đến nghề nghiệp tương lai khi đi học, quan tâm đến việc bảng điểm sẽ giúp gì để xin việc sau này. Cái đích việc học tốt nhất với họ chính là tìm được một công việc tốt, phù hợp với bản thân.
Học sinh muốn trở thành sinh viên để có thể thoát khỏi tình trạng căng thẳng, đêm thức triền miên ôn tập… Ngược lại, sinh viên dường như lại tha thiết muốn quay trở về những năm tháng cũ đẹp đẽ, đơn thuần. Mỗi một vai trò đều có những áp lực và trách nhiệm riêng. Vì vậy, dù bạn là ai, hãy trân trọng bản thân và cố gắng làm được nhiều điều hơn nữa khi còn có thể.
Nguồn tham khảo: kenh14